Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành xây dựng tổ chức sáng nay 6/1.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Đỗ Đức Duy trình bày tại Hội nghị, năm 2016, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 1.089,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015, đạt 104% kế hoạch năm; tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 862,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2015.
Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, tăng 3% so với năm 2015, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, tăng 2% so với năm 2015, đều đạt kế hoạch năm...
Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, trong năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 06 Quyết định, 02 Chỉ thị; Bộ ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư về các lĩnh quản lý nhà nước của Bộ. Hiện, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện 11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: 03 dự thảo Nghị định, 06 Quyết định, đề án, 02 Chỉ thị.
Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ ban hành đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Xây dựng (theo quy định của Luật Đầu tư). Đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.
Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8m2 sàn/người (tăng 0,8m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cũng nhìn nhận thẳng thắn, công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn nhiều hạn chế.
“Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị” – ông Duy nói.
Xây dựng đô thị vệ tinh để giãn dân trong vùng nội đô
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành Xây dựng trong năm 2016. Phó Thủ Tướng yêu cầu Bộ cần nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, hạn chế, những việc chưa làm được để có hướng giải quyết trong năm 2017. Trong đó, cần thiết phải gắn chặt quy hoạch với việc thực hiện theo kế hoạch để tránh tình trạng đô thị lem nhem.
Về thị trường bất động sản, xu hướng đầu tư vào đô thị rất lớn nhưng phải thận trọng xác định đúng phân khúc thị trường cần, nếu không lại dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản. Nhà ở thuộc phân khúc giá thấp và nhà ở xã hội được tuyệt đại đa số quan tâm nhưng vẫn còn ít được đầu tư, nhất là ở các đô thị lớn.
Năm qua, tình trạng công trình xây dựng chất lượng kém, an toàn công trình không đảm bảo, trong đó có cả vấn đề đảm bảo cháy nổ còn nổi cộm. Dẫn dến tình trạng thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, công trình xuống cấp nhanh… ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là do kiểm soát từ khâu quy hoạch còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.
“Có những công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn cho qua, cho đưa vào xây dựng. Bộ Xây dựng cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, làm rõ. Một số nơi việc tuân thủ quy hoạch chưa tốt, vì thế việc quản lý quy hoạch như thế nào cũng cần phải lưu tâm. Tại sao những đô thị nhỏ việc quản lý thực hiện theo quy hoạch lại tốt hơn những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt câu hỏi.
Nói về vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TPHCM đang gây bức bối hiện nay, Phó Thủ tướng phân tích, không chỉ đầu tư hạ tầng, không chỉ tổ chức giao thông tốt là có thể tháo gỡ được vì càng đầu tư tốt vào 2 đô thị này thì sự thu hút với người dân nơi khác càng cao, người dân kéo về tìm kiếm cơ hội việc làm càng lớn. Và như thế, theo Phó Thủ tướng, không bao giờ hạ tầng có thể “chạy theo” để giải quyết được đủ nhu cầu.
Muốn giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc, quá tải tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn bớt dân. Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt rất quan trọng.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, việc này có nhiều nguyên nhân do việc kiểm soát từ khâu quy hoạch chưa chặt chẽ. Có những công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà vẫn được… cho qua, cho tổ chức xây dựng, đưa vào sử dụng. Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, làm rõ những việc này.
- Khu tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng ở Sài Gòn chỉ lấp đầy 15% (07/12/2016)
- Asseco muốn xây dựng thành phố thông minh cho Sài Gòn (07/10/2016)
- Tp.HCM: 839 tỷ đồng xây hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Th (07/10/2016)
- TP HCM chi gần 900 tỷ làm đường song hành cao tốc Long Thành (20/09/2016)
- Cần Thơ: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đến năm 2030 (17/09/2016)