Khu tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng ở Sài Gòn chỉ lấp đầy 15%
Cập nhật: 08:32 07/12/2016
Được đưa vào sử dụng cách đây nửa thập niên, khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM quy mô 1.939 căn hộ, 529 nền nhà nhưng đến nay mới có 306 căn hộ và 222 nền được bàn giao bố trí dân vào ở, chiếm tỷ lệ 15%.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoRea) vừa báo cáo các sở ban ngành thành phố và những kiến nghị liên quan đến thị trường địa ốc, trong đó có đề cập đến tình trạng kém hiệu quả của khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2010, khu tái định cư này có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị thành phố làm chủ đầu tư. Đây được xem là khu chung cư có quy mô lớn ở Sài Gòn, nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh thuộc chương trình nâng cấp đô thị của thành phố. Song 5 năm qua, khả năng lấp đầy khu tái định cư này vẫn rất thấp.
Quan điểm của HoRea, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số khu tái định cư tại TP HCM chưa thu hút cư dân. Nguyên nhân quan trọng nhất là do dự án không phù hợp với nhu cầu mưu sinh, thiếu công ăn việc làm. Kế đến, người dân e ngại chi phí quản lý hàng tháng. Chất lượng một số công trình tái định cư chưa đạt yêu cầu, thiếu tiện ích nội khu và ngoại khu, kết nối giao thông không thuận lợi cũng là điểm yếu của một số khu tái định cư tại Sài Gòn.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM đã bàn giao được 5 năm nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 15%. Ảnh: VOH
Ngoài ra còn có một bộ phận người dân không đủ khả năng tài chính để trả bổ sung phần diện tích tăng thêm do căn hộ tái định cư quá lớn hơn. Căn hộ chung cư Vĩnh Lộc B có diện tích từ 42 đến 68m2, trong lúc căn nhà cũ của các hộ tái định cư có trường hợp chỉ rộng trên dưới 20m2. Các hộ tái định cư phải trả thêm tiền phần diện tích chênh lệch này.
Để khắc phục tình trạng trên, Hiệp hội đề xuất 6 kiến nghị để hỗ trợ mô hình nhà ở tái định cư tại thành phố.
Thứ nhất, đề nghị thực hiện điều tra xã hội học thật kỹ lưỡng từng hộ tái định cư để nắm rõ tâm tư nguyện vọng, nhu cầu nhà ở, mưu sinh, tái đào tạo... trước khi lập dự án di dời dân.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch khu tái định cư, thiết kế căn hộ phù hợp; đảm bảo đầy đủ tiện ích nội khu và tiện ích ngoại khu; giám sát chặt chẽ thi công, quản lý dự án, đảm bảo chất lượng công trình.
Thứ ba, cần tạo ra được một số công ăn việc làm tại chỗ hoặc trong khu vực lân cận để người dân tái định cư có kế sinh nhai, an cư ổn định lâu dài.
Thứ tư, kết nối giao thông thuận tiện, nhanh chóng.
Thứ năm, tôn trọng các quyền liên quan đến tài sản đối với nhà tái định cư. Hiện nay, chủ sở hữu nhà tái định cư đã được quyền chuyển nhượng nhà. Tuy nhiên người sở hữu "suất tái định cư" lại bị hạn chế. Do đó, đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép người có suất tái định cư cũng được quyền chuyển nhượng vì đây là "quyền tài sản" cần được tôn trọng.
Thứ sáu, cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi trong 15 năm (tương tự đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội) để tạo điều kiện cho người tái định cư mua thêm phần diện tích chênh lệch của nhà tái định cư (nếu có) để thu hút người dân lựa chọn về ở khu nhà tái định cư.
Theo vnexpress
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
- Asseco muốn xây dựng thành phố thông minh cho Sài Gòn (07/10/2016)
- Tp.HCM: 839 tỷ đồng xây hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Th (07/10/2016)
- TP HCM chi gần 900 tỷ làm đường song hành cao tốc Long Thành (20/09/2016)
- Cần Thơ: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đến năm 2030 (17/09/2016)
- Tp.HCM: phê duyệt dự án hơn 511 tỷ đồng (16/09/2016)