Hỗ trợ đăng tin Thời Gian Làm Việc: Sáng : 8h15 – 12h00 - Chiều: 13h15 – 17h15 (Từ Thứ Hai – Thứ Bảy). Email: it@diaocphucthinh.com.vn - Phone: 0902996110 ​
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Đất nền vùng ven “nóng hầm hập”, Bình Dương vẫn nằm ngoài cuộc chơi
Cập nhật: 10:10 09/05/2018

Trong khi thị trường đất nền các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đang “nóng hầm hập” thì địa phương láng giềng Bình Dương lại vô cùng im ắng.

PV có dịp đi qua các thị xã Thuận An, Bến Cát (tỉnh Bình Dương) vào một ngày đầu tháng 5, khung cảnh các khu đô thị mới tại đây vẫn rất vắng vẻ. Hàng ngàn ngôi nhà xây lên rồi bỏ hoang, những dự án đất nền làm bãi chăn thả bò, tiêu tốn hàng tỷ USD. Đây chính là hệ lụy của việc tính toán không thực tế của chính quyền sở tại. Trong khi đó, Bình Dương lại thiếu kết nối giao thông liên vùng đồng bộ để thoát khỏi thế “mắc kẹt”.

Hàng quán trong khu đô thị ế ẩm

Với mong muốn “lên đời” cho vợ con, gia đình ông Thái Văn Long từ tỉnh Bình Phước, đến mua đất xây nhà tại Khu đô thị Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát). Sau đó, ông Long mở một quán ăn kèm nước giải khát. Ngày đầu, quán thưa thớt khách. Chờ đợi thêm một năm, rồi hai năm, quán vẫn không có khách. Đến giờ thì ông nản hẳn, đang tính đóng cửa quán.

Ông Long tâm sự: “Năm 2014, tôi bắt đầu sống ở Khu đô thị Mỹ Phước 3. Đã 4 năm trôi qua, dân cư trong vùng vẫn rất thưa thớt, vì vậy mà hàng quán ở đây rất ế ẩm. Trong khu đô thị, nhà xây lên thì nhiều mà không có người đến mua. Gia đình tôi đã sai lầm khi chọn khu vực này để làm ăn, sinh sống”.

Không chỉ có gia đình ông Long, nhiều người dân ở Khu đô thị Mỹ Phước 3 cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Người thì đầu tư mua hàng loạt lô đất với ý định bán lại kiếm lời, người xây khách sạn, nhà nghỉ hoặc mua máy móc, vật tư về phục vụ nhu cầu xây dựng khi khu đô thị mới hình thành.

Tuy nhiên, đầu tư một đống của, khu đô thị thì bỏ hoang, khiến họ “mắc kẹt” không lối thoát trong Khu đô thị Mỹ Phước 3.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, giá đất tại Bình Dương có tăng nhưng không bằng các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, cũng không có dự án mới nào tung ra thị trường do những dự án cũ còn rất nhiều sản phẩm, nên các doanh nghiệp BĐS không tung ra sản phẩm mới để giải quyết hàng tồn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, nhà đầu tư BĐS ở Tp.HCM cho biết, những năm 2012-2014, các chủ đầu tư ở tỉnh này đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm đất nền, với giá cực kỳ hấp dẫn. Sau đó xuất hiện tình trạng khách hàng cứ mua đi, bán lại. Đến nay, cả tỉnh Bình Dương chỉ có gần 1,5 triệu dân và vài trăm ngàn người nhập cư, trong khi đó trên địa bàn lại có đến vài triệu nền đất. Nguồn cung quá nhiều, nên tình trạng ế ẩm là điều dễ hiểu.

bán đất bình chánh, bán đất hóc môn, phúc thịnh residence

Dãy biệt thự khang trang nằm sát bên những tuyến đường lớn. Lác đác chỉ vài căn đã
hoàn thiện, còn phần lớn vẫn trong tình trạng chủ đầu tư xây thô rồi để đó

 

Ám ảnh “thành phố ma”

Phong trào xây dựng Trung tâm hành chính tập trung phát triển rất “hot” ở nước ta vào năm 2010. Vốn dĩ năng động, Bình Dương đã tổ chức thi công Trung tâm hành chính tập trung, nằm trong vùng lõi của thành phố mới Bình Dương. Công trình này cũng là điểm nhấn trong tổng thể quy hoạch thành phố. Nhằm “đón sóng”, nhà đầu tư tại chỗ và Tp.HCM đã triển khai hàng loạt dự án BĐS tại thành phố mới, đoạn gần Trung tâm hành chính.

Theo đó, những con đường vuông vức, rộng rãi được mở ra, bám dọc hai bên là những căn hộ liên kế được thiết kế xinh xắn. Chủ đầu tư, môi giới cũng không quên quảng cáo khi tòa nhà Trung tâm hành chính công hoạt động, dân cư sẽ tụ về, giá sẽ tăng gấp bội. Thực tế là Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương hoạt động đã 5 năm, nhưng cả thành phố mới rất vắng vẻ, người dân không đến khu vực này sinh sống.  

Đi sâu vào thành phố mới Bình Dương có thể thấy, hầu hết các căn nhà xây sẵn trong khu đô thị này mới chỉ hoàn thiện bên ngoài. Bên trong còn nguyên gạch, vữa, khi có người dọn đến ở mới phải hoàn thiện nội thất. Hai bên con đường không một bóng người, những vệt đất trống được quy hoạch cỏ mọc um tùm, được người dân tận dụng làm nơi chăn bò. Cũng có lác đác vài ngôi nhà kiên cố đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng bị bỏ hoang, rêu phong ẩm mốc. Theo lời một chị chủ quán nước ven đường, ở tỉnh Bình Dương, người thì không có nhà ở, chỗ thì bỏ một đống tiền, xây xong rồi bỏ hoang.

Một nhân viên của công ty BĐS tại thành phố mới Bình Dương cho hay, trước đây cũng có một số ngân hàng, công ty thuê hoặc mua các căn nhà mặt tiền gần Trung tâm hành chính tỉnh làm văn phòng giao dịch. Nhưng do không có người qua lại, giao dịch, việc kinh doanh ế ẩm nên đã dọn đi từ vài năm nay. Tại đây hầu như không có bất kỳ hoạt động vui chơi, giải trí nào. Về đêm, cả thành phố tối om, vắng vẻ.

Trở ngại về giao thông liên vùng

Các chuyên gia đô thị học phân tích, việc tỉnh Bình Dương “dời đô” từ trung tâm TP. Thủ Dầu Một đến thành phố mới Bình Dương là tham vọng lớn, không đúng nhu cầu thực. Bởi việc “dời đô” đến một khu vực mới sẽ đối diện với nhiều thách thức. Nếu chính quyền không thực hiện đồng bộ các vấn đề dịch vụ, thương mại, siêu thị, bệnh viện, trường học… thì người dân vẫn chỉ quanh quẩn ở khu vực cũ.

Còn dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, hiện nay giá nhà đất ở thành phố mới Bình Dương vẫn còn rất cao, nên không thu hút được nhiều khách hàng. Cụ thể, một căn nhà liền kề tại đây có diện tích hơn 100m2 nhưng giá từ 3 - 5 tỷ đồng; biệt thự có mức giá trên 10 tỷ đồng/căn. Mức giá này chỉ phù hợp với chuyên gia nước ngoài, Việt kiều, nhưng phần lớn những đối tượng này lại thuê nhà tại Tp.HCM vì có những dịch vụ hoàn chỉnh, đồng bộ hơn.

Trong khi đó, đa số dân Bình Dương là công nhân, người lao động nhập cư, mức giá đó ngoài tầm với của họ. Trong những năm qua, ở thành phố mới Bình Dương, Khu đô thị Mỹ Phước 3… đã mọc lên hàng ngàn căn nhà kiên cố sau đó bị bỏ hoang; đó là chưa kể hàng ngàn ha đất nền được san ủi, phân lô, trị giá cả tỷ USD, đã khiến nhân dân trong tỉnh xót xa khi nguồn lực đất đai bị hoang hóa.

Mặc dù từ Tp.HCM đến trung tâm thành phố mới chỉ vài chục phút nhưng di chuyển trên tuyến độc đạo QL13, người đi đường sẽ bị mắc kẹt ở nút thắt cổ chai tại quận Thủ Đức (Tp.HCM). Nhiều người lo ngại vấn đề giao thông sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc hàng ngày của họ, nên dù BĐS Bình Dương có hấp dẫn đến đâu thì vẫn không phải là lựa chọn lý tưởng.

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng