Người dân đến cơ quan hành chính huyện Bình Chánh làm thủ tục tách thửa đất
Một điểm mới tiếp theo là, Quyết định 60 quy trách nhiệm cho việc kiểm soát hạ tầng sau tách thửa chứ không bỏ ngỏ như trước đây. Theo đó, UBND các quận huyện phải xây dựng kế hoạch tách thửa đất, thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm và chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Các sở ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ hướng dẫn quy chế tách thửa đất; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông, đảm bảo hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó là công tác cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng; các thủ tục về đầu tư, đấu nối hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo quy định.
Thống nhất quy chuẩn hạ tầng
Theo nội dung của Quyết định 60, nhiệm vụ của Sở Quy hoạch và Kiến trúc là đầu mối chủ trì, hướng dẫn cụ thể về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt, đối với trường hợp tách thửa có hình thành hạ tầng.
Theo ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thời gian vừa qua, các quận huyện đều làm không thống nhất, chẳng hạn về đường giao thông có nơi làm đường rộng 4m, có nơi 5m; chỗ có lề đường nới thì không…Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp tách thửa không có hạ tầng kỹ thuật.
Do đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc được giao nhiệm vụ tổng hợp lại và có thống nhất chung về quy định hạ tầng kỹ thuật đối với việc tách thửa có hình thành hạ tầng kỹ thuật dựa trên những quy định của luật pháp về hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn, một khu đất diện tích lớn, nếu muốn làm đường vào rồi chia lô theo tách thửa, thì huyện là đơn vị có thẩm quyền duyệt bản đồ phân lô. Trong đó, cơ sở để phê duyệt phải tuân theo hướng dẫn chung về hạ tầng; đảm bảo có giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và san nền. So với Quyết định 33 trước đây thì đây là điểm mới. Cụ thể, Quyết định 33 không giao Sở hướng dẫn mà giao chủ tịch UBND các quận huyện toàn quyền áp dụng quy chuẩn để làm khiến xảy ra tình trạng không thống nhất, mỗi nơi làm mỗi kiểu.
Được biết, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tách thửa, áp dụng trên toàn địa bàn Tp.HCM.
Nhà ba chung vẫn chưa có chế tài quản lý Trước câu hỏi, việc hình thành khu “ổ chuột mới”, nhà ba chung ở các huyện ngoại thành sẽ bị điều chỉnh như thế nào trong quy định tách thửa mới, lãnh đạo một huyện khẳng định: nhà ba chung không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định 60! Cụ thể, vị lãnh đạo này (xin giấu tên) giải thích, cốt lõi của nhà ba chung xuất phát từ quy định đồng sở hữu của Luật Dân sự. Theo quy định, Luật này cho phép đồng sở hữu thì đất đai cũng đồng sở hữu. Bên cạnh đó, quy định cũng chỉ khống chế diện tích tách thửa nhỏ nhất ở khu vực 3 là 5m chiều ngang chứ không giới hạn diện tích tối đa, do vậy người dân vẫn lách để làm nhà ba chung. Ví dụ, chủ đất tách thửa khu đất bề ngang 10m, dài 8m, đảm bảo quy định tổng diện tích là 80m² và chiều ngang không dưới 5m. Trên khu đất này, chủ đất xây thành 3 căn nhà ba chung, như vậy mỗi căn có diện tích 3x8m… Đương nhiên khi đã được chuyển mục đích sang đất ở thì sẽ được cấp phép xây dựng, còn việc xây dựng bên trong như ngăn vách, ngăn phòng thế nào thì chính quyền không thể can thiệp được… Vậy là từ miếng đất diện tích 10x8m, nhiều chủ đất có thể xây thành 3 căn nhà ba chung sau đó lập vi bằng đứng tên đồng sở hữu. Xét theo luật hiện hành thì vẫn hợp pháp mà không vướng bất kể quy định nào của pháp luật. “Muốn ngăn được nhà ba chung, Sở Xây dựng phải tham mưu cho UBND TP bàn hành quy chế riêng nhằm cho phép loại nhà nào được xây hoặc không được xây”, vị lãnh đạo trên phân tích. Như vậy, sau khi ban hành Quyết định 60, TP cần tiếp tục bổ sung các biện pháp về pháp lý để hạn chế tối đa những trường hợp lách luật, xây nhà ba chung, tránh xảy ra tình trạng những căn nhà "lách luật" xuất hiện tràn lan, để lại hậu quả trong việc quản lý đô thị. |