Dự kiến Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét cơ chế cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản được tạm nộp tiền sử dụng đất, được tạm nộp tiền sử dụng đất bổ sung.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo 3 nội dung quan trọng để chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá đất trên địa bàn thành phố - Ảnh: Huyền Trâm.
Nội dung trên được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu trong văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.
Cụ thể văn bản của HoREA đề cập, ngày 19/12/2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo 3 nội dung quan trọng để chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá đất trên địa bàn thành phố.
Thứ nhất, dự kiến kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch thành phố kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất thành phố. Các Giám đốc Sở có liên quan là thành viên của Hội đồng.
Dự kiến Hội đồng sẽ họp 2 lần/tháng; đồng thời, rà soát, kiện toàn quy trình làm việc của Hội đồng nhằm đạt hiệu quả tốt hơn. Nếu sớm thực hiện cơ chế này thì khả năng sẽ hình thành quy trình và thủ tục hành chính trong công tác thẩm định giá đất, khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất phải nộp sẽ nhanh hơn, minh bạch hơn trước đây.
Thứ hai, dự kiến UBND thành phố sẽ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 56/2012/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 của UBND thành phố về ban hành Quy định về trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại TP.HCM.
Thứ ba, dự kiến UBND thành phố sẽ xem xét cơ chế cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản được tạm nộp tiền sử dụng đất, được tạm nộp tiền sử dụng đất bổ sung.
Đồng thời với việc chủ đầu tư dự án bất động sản phải có văn bản cam kết sẽ nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để chủ đầu tư dự án bất động sản được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, để có thể bán sản phẩm cho khách hàng.
Nếu cơ chế được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn, ách tắc của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn thành phố hiện nay - Ảnh: Huyền Trâm.
HoREA nhận định nếu cơ chế này được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn, ách tắc của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn thành phố hiện nay. Theo đó, Hiệp hội cũng kiến nghị thêm một số cơ chế.
Đề nghị cho phép doanh nghiệp (người sử dụng đất) được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khi thẩm định giá đất dự án của đơn vị mình.
Đề nghị cho phép doanh nghiệp (người sử dụng đất) được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Đề nghị cho khấu trừ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án mà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng rồi bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, vào tiền sử dụng đất phải nộp. Hiện nay, Sở Tài chính vẫn tính doanh thu giữ xe máy (hiện do Ban Quản trị chung cư thu theo quy định của Luật Nhà ở) vào doanh thu của chủ đầu tư dự án chung cư; hoặc áp giá bán căn hộ, giá cho thuê khối đế thương mại, dịch vụ, quá cao so với giá bán, giá cho thuê thực tế của doanh nghiệp để tính tiền sử dụng đất cao lên, rất bất hợp lý và cần được sửa đổi.
Đề nghị bãi bỏ cơ chế đấu thầu rộng rãi qua mạng internet hiện nay chỉ chọn đơn vị chào thầu với giá thấp nhất được trúng thầu; thay thế bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi nhưng với tiêu chí chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu, chứ không phải chọn đơn vị có giá thấp nhất.
Hiệp hội nhất trí với Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn "Giải pháp 1: Sửa đổi Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai theo hướng giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể do UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuế đối với hộ gia đình, cá nhân; bổ sung đại diện người có đất thu hồi vào thành phần Hội đồng định giá đất".
Trước đó, HoREA đã gửi văn bản lên Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM về việc đẩy nhanh công tác thẩm định giá tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất điều chỉnh của các dự án bất động sản. Cụ thể, HoREA băn khoăn về một nội dung của Thông báo số 520/TB-VP ngày 22/06/2017 của Văn phòng UBND thành phố, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đối với các hồ sơ đã thực hiện tạm nộp tiền sử dụng đất (trước ngày Nghị định 53/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ có hiệu lực), như sau: “Sở Xây dựng không giải quyết thủ tục chuyển nhượng dự án và không cho chủ đầu tư bán sản phẩm cho khách hàng đối với các trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện tạm nộp tiền sử dụng đất, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định”. HoREA cho rằng điều kiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai chỉ áp dụng đối với trường hợp phân lô bán nền, không quy định đối với các trường hợp bán nhà hoặc căn hộ hình thành trong tương lai. Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng đã quy định 8 hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản, trong đó có hành vi chủ đầu tư “Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước” (Khoản 6 điều 8), nhằm buộc các chủ đầu tư phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Khoản 3 điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định “Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật” (Điều này cũng hàm nghĩa chủ đầu tư dự án bất động sản phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng). Do vậy, hiệp hội kiến nghị UBND thành phố xem xét cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai được bán sản phẩm cho khách hàng, sau khi đã thực hiện tạm nộp tiền sử dụng đất và có văn bản cam kết sẽ nộp tiền sử dụng đất phát sinh (nếu có) sau khi các cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt số tiền sử dụng đất của dự án phải nộp, để sớm đưa sản phẩm ra thị trường, giảm bớt khó khăn cho chủ đầu tư, và góp phần làm tăng nguồn thu tiền sử dụng đất vào ngân sách thành phố. |
Theo Bizlive.vn
- Bất động sản TP.HCM 'giảm nhiệt', Long An hứa hẹn bứt phá (06/11/2019)
- Đầu tư đất nền thổ cư các quận vùng ven được các NĐT ưa chuộng (29/10/2019)
- Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng” (17/10/2019)
- Nhà đất Đức Hòa được tìm kiếm nhiều nhất Long An (09/10/2019)
- Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An (08/10/2019)
- Quy hoạch vùng TP.HCM với 4 tiểu vùng bao trùm 8 tỉnh thành (28/12/2017)
- Kiến nghị ngân hàng nước ngoài được cho vay tối đa 50% trong năm 2018 (27/12/2017)
- TP.HCM công khai đấu thầu chọn nhà đầu tư chống ngập (26/12/2017)
- Về đâu nhà siêu nhỏ ngoại thành TP. Hồ Chí Minh? (25/12/2017)
- Phát triển thị trường BĐS: Hướng đến không gian sống văn minh (23/12/2017)