Kinhtedothi - Định hướng phát triển thị trường bất động sản hướng tới không gian sống văn minh là một chủ đề cần nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ để bắt kịp với quá trình công nghiệp hóa, hội nhập hóa và thị trường hóa.
Một trong những trọng tâm của phát triển không gian sống là phát triển các khu đô thị mới trong đó nòng cốt là các tòa nhà chung cư, văn phòng cho thuê, nhà phố và biệt thự (biệt thự ở và biệt thự nghỉ dưỡng).
Quan tâm nhiều hơn tới không gian sống
PGS. TS Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội đã và đang bước vào giai đoạn hồi phục. Đặc biệt, 2015 - 2016, là hai năm thị trường bất động sản phát triển tốt. Các giao dịch được phục hồi. Tồn kho bất động sản giảm, giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý. Các giao dịch diễn ra khá tốt trên tất cả các bình diện. Nợ xấu bất động sản tại hệ thống ngân hàng thương mại đã được xử lý một phần. Nhiều dự án đình hoàn giai đoạn 2011 - 2013 đã tái khởi động. Nhiều dự án đã kết thúc đầu tư, giao nhà. Các sản phẩm mới đã được đưa vào như du lịch nghỉ dưỡng theo hình thức timeshare, condotel, officetel. Các luồng tiền vận hành khá tốt vào thị trường bất động sản.
Nhận định về xu thế thị trường, các chuyên gia cho biết, hiện nay, khách hàng đã quan tâm nhiều hơn tới không gian sống của mình cũng như của cộng đồng. Về cơ bản, các chính sách phát triển thị trường bất động sản bền vững đã được ban hành. Ví như Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn 2030 xác định mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững về mặt mộ trường. Thị trường bất động sản được định hướng phát triển hướng tới không gian sống văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Hà Nội; đảm bảo xây dựng và phát triển Hà Nội giàu đẹp, tiêu biểu cho cả nước, thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển thị trường bất động sản, ông Trần Kim Chung cũng như một số chuyên gia đều cho rằng, cơ quan chức năng cần ban hành các quy chuẩn thiết kế công trình cao tầng trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về thông tin bất động sản. Xây dựng chiến lược phát triển tổng thể thị trường bất động sản tại Hà Nội (bao gồm tất cả các lĩnh vực của thị trường). Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng của Hà Nội và tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch, xử lý sai phạm trong xây dựng. Tiếp tục rà soát, ban hành khung giá đất, bảng giá đất sát với giá thị trường.
Đáng chú ý, ông Trần Kim Chung đề xuất, nên nghiên cứu xây dựng cơ chế hành chính đặc biệt cho Hà Nội, với vai trò là một siêu đô thị của cả nước. Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý nhà nước về xây dựng trong việc quản lý, giám sát các công trình xây dựng tại Hà Nội, đảm bảo đúng thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt. Củng cố và hoàn thiện chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của bộ máy thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất để đội ngũ này làm tròn nhiệm vụ.
Xây dựng lối sống đô thị
Để tạo dựng được không gian sống văn minh, ông Trần Kim Chung cho rằng cũng cần xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội. Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống đô thị, các chuẩn mực lối sống đô thị đến từng tổ dân cư, khu phố. Tăng cường lực lượng quản lý trật tự đô thị, công an trong việc đảm bảo trật tự đô thị. Có chính sách hợp lý đối với người bán hàng rong, người bán hàng vỉa hè, để một mặt đảm bảo cuộc sống của người dân, một mặt đảm bảo trật tự đô thị.
Đối với các doanh nghiệp, TP Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án mang tính biểu tượng, mỹ thuật của thành phố, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, các dự án kết hợp hài hòa giữa xây dựng nhà ở, cơ sở kinh doanh và không gian xanh. Hạn chế cấp phép các công trình xây dựng cao tầng nhỏ (dưới 9 tầng, diện tích nhỏ, nằm xen kẽ khu dân cư). Đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy và các hệ thống vận hành khác trong tòa nhà cao tầng... Từ đó, tạo một phần hoàn thành chiến lược phát triển thị trường bất động sản Hà Nội hướng tới không gian sống văn minh.
"Minh bạch hóa các dự án, các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các trung gian trên thị trường bất động sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Tin học hóa toàn bộ hệ thống thông tin bất động sản. " - PGS. TS Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
|
Theo Kinhtevadothi.vn