Trước khi TP HCM nổ ra cơn sốt đất khắp các quận huyện vùng ven, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc tách thửa nền đất. Theo Văn phòng Đăng ký đất đai địa phương này, tính đến quý II/2017, toàn tỉnh đang tồn đọng khoảng hơn 5.000 hồ sơ xin tách thử phải tạm ngưng giải quyết, chờ rà soát, ban hành lại quy định mới.
Tình trạng cấm tách thửa tưởng chừng đã làm cho thị trường đất nền địa bàn giáp ranh TP HCM rơi vào trầm lắng. Song, chỉ những dự án phân lô dở dang bị ảnh hưởng, còn các dự án có quy hoạch bài bản lại giao dịch sôi động và bất ngờ tăng giá mạnh.
Một tháng qua, dự án khu đô thị Long Hưng (TP Biên Hòa) nằm gần tuyến metro giai đoạn 2 nối TP HCM với Bình Dương, Đồng Nai đã bán được hơn 300 sản phẩn đất nền. Nếu tính 6 tháng đầu năm đã có hơn 1.000 giao dịch thành công. Giá đất tại dự án này cũng không ngừng tăng. So với đợt đầu đưa ra thị trường các nền đất có giá trung bình khoảng 6-7 triệu đồng một m2, nay đã vọt lên đến 12 triệu đồng mỗi m2.
Tương tự, một dự án khác cũng tọa lạc ở Đồng Nai là Richland City, quy mô 21,5 ha được tung ra thị trường với mức giá ban đầu trung bình chỉ khoảng 416 triệu đồng một nền cũng rục rịch tăng giá. Hiện nay các nền đất dự án này được giao dịch mua đi bán lại gần 600 triệu đồng mỗi nền. Mức tăng trên thị trường thứ cấp gần 200 triệu đồng một sản phẩm.
Buổi mở bán một dự án đất nền tại Đức Hòa diễn ra trong quý II/2017. Ảnh: Vũ Lê |
Trong khi đó, giá đất một số dự án tại Long An có vị trí lân cận với TP HCM cũng xảy ra tình trạng leo thang. Giáp ranh Sài Gòn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, dự án Cát Tường Phú Sinh tại Đức Hòa, Long An có quy mô khá lớn (107ha) ghi nhận tăng giá gấp đôi sau 11 tháng mở bán.
Hồi tháng 8/2016, giá chào bán dự án này trung bình ở mức 3 triệu đồng mỗi m2, một số vị trí đẹp có giá 4,2 triệu đồng mỗi m2. Đến nay, đất nền tại đây đã thiết lập mặt bằng giá mới. Mức thấp nhất trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán) 6-8 triệu đồng mỗi m2, tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy một năm. Một số nền đất có vị trí hướng nhìn ra hồ, công viên trung tâm, số lượng hạn chế đã vọt lên mức giá trên 12 triệu đồng mỗi 2, tăng gấp 3 lần so với đợt đầu tiên mở bán.
Có tỷ lệ tăng giá khiêm tốn hơn, dự án Saigon Village thuộc địa phận Long An giáp với TP HCM qua tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè từng được tung ra thị trường hồi năm ngoái với giá 6 triệu đồng mỗi m2. Đến quý II/2016 chủ đầu tư điều chỉnh giá lên 7 triệu đồng mỗi m2. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư mua đi bán lại đang giao dịch dự án này ở vùng giá 7,5 triệu đồng một m2. Biên độ tăng giá của dự án này là 15-20% sau một năm.
Một dự án đất nền, nhà phố tại Long An đã tiêu thụ được hơn 2.000 nền trong 6 tháng đầu năm và đặt mục tiêu bán 4.000 sản phẩm trong năm nay. Ảnh: Vũ Lê |
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa xác nhận: "Giá đất một số vị trí thuộc địa bàn tỉnh giáp ranh Sài Gòn đang xảy ra tình trạng leo thang ngoài dự báo". Ông cho hay, trừ Bình Dương không có nhiều biến động, một số khu vực tại Đồng Nai, Long An đã sốt cục bộ, đội giá khá mạnh trong 6-12 tháng qua.
Ông Nghĩa nhận xét, hiện tượng tăng giá mạnh gấp đôi, thậm chí gấp ba ở một số tỉnh giáp ranh là điều từng xảy ra trong đợt sốt đất năm 2006-2007 cách đây 10 năm. Tình trạng đất nền một số dự án ở Đồng Nai, Long An tăng giá như hiện nay có dấu hiệu chịu sự tác động của cơn sốt đất tại TP HCM trong nửa đầu năm 2017 trở về trước. Ông cũng không loại trừ tình trạng hạn chế tách thửa các hồ sơ mới tại Đồng Nai cũng có thể là nguyên nhân khiến cho nhu cầu đầu tư đổ dồn về các dự án đã được quy hoạch bài bản.
Các yếu tố khác tác động đến giá đất ở tỉnh, theo ông Nghĩa, phụ thuộc vào sức hút của hạ tầng. Khả năng kết nối giữa các khu vực giáp ranh và đô thị lớn càng hoàn thiện thì biên độ tăng giá càng lớn. 1-2 năm trở lại đây thông tin hạ tầng TP HCM kết nối đi các tỉnh lân cận hứa hẹn tốt dần lên đã trở thành lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới đầu tư và đầu cơ.
Đặc biệt trong 24 tháng qua, tích lũy tài sản thông qua mua đất nền cho thấy hiệu quả cao hơn các kênh đầu tư tài chính khác càng thổi lửa vào kênh đầu tư bất động sản liền thổ này. Tuy nhiên, chuyên gia GIBC khuyên nhà đầu tư cần thận trọng đối với tốc độ tăng giá đất quá nhanh.
Theo quan điểm của ông Nghĩa, tăng giá trong ngưỡng 15-20% mỗi năm được xem là bình thường đối với đất nền, cũng là chỉ số đầu tư phổ biến, khá an toàn. Thế nhưng mức tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trong một năm thì cần cân nhắc nhiều khía cạnh.
Nhà đầu tư có thể tự đặt ra cho mình các "kỷ luật thép" khi xuống tiền mua đất nền giáp ranh TP HCM bằng cách khảo sát thực địa, tham vấn ý kiến chuyên gia trong ngành. Quan trọng nhất là cần tìm ra lời giải cho hàng loạt câu hỏi.
Đó là: mặt bằng giá mới có hợp lý không; cơ sở nào thúc đẩy giá đất nền leo thang; so sánh giá đất nền ở các tỉnh giáp ranh với vùng ven Sài Gòn chênh lệch ra sao; thị trường đón nhận việc tăng giá như thế nào; dòng vốn có đủ mạnh để nuôi suất đầu tư dài hạn... "Nhà đầu tư chỉ nên xuống tiền khi tìm ra đáp án thỏa đáng, giải tỏa những hoài nghi của mình", ông Nghĩa khuyên.
Vũ Lê
- Kích thích đầu tư từ chính sách đất đai (18/01/2018)
- Nửa cuối 2017, bất động sản sẽ hưởng lợi từ chứng khoán (23/08/2017)
- Chính sách tiền tệ tác động thế nào đến giá nhà đất? (09/08/2017)
- 9 giải pháp phát triển bất động sản TP.HCM trong 5 năm tới (08/08/2017)
- Thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tăng trưởng (29/07/2017)
- Thị trường nhà chung cư đang vướng phải hàng loạt thách thức (07/01/2017)
- Hồi sinh các khu đô thị mới tại Tp.HCM trong năm 2016 (07/01/2017)
- 2017, một năm vàng cho những ai muốn sở hữu bất động sản (16/12/2016)
- BĐS sẽ thăng hoa nhờ ngân hàng hạ lãi suất? (08/12/2016)
- Biến vùng đất ven kênh rạch thành dự án BĐS có giá trị sinh lời (06/12/2016)