Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, trong năm 2017 sẽ thực hiện di dời khoảng 2.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch, trong đó có 586 căn thuộc 8 dự án đang thực hiện dở dang ở các quận 4, 7, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân; 1.832 căn thuộc 4 dự án đã có chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2017 ở các quận 5, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh.
Được biết, chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị” từ nay tới năm 2025, Tp.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập. Theo đó, kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn.
Tp.HCM vẫn còn hơn 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven những tuyến kênh ô nhiễm nặng
Giai đoạn đầu từ 2015 - 2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 từ năm 2020 – 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.
Tp.HCM phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ số căn nhà này
Tại Hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch – Thực trạng và giải pháp”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM cho biết, thông qua việc di dời, giải tỏa nhà ổ chuột ven kênh rạch sẽ có thể đưa dòng kênh xanh trong trở lại, giữ lại nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” của Thành phố.
Tuy nhiên theo ông Lưu, để thực hiện chương trình đó, bài toán cốt lõi là các chính sách triển khai của Thành phố phải phù hợp với quan điểm, tiếng nói chung của các nhà làm quy hoạch, các chuyên gia về kinh tế, xã hội, các nhà đầu tư và nhất là với người dân thuộc diện di dời.
Cùng với công tác di dời, Thành phố sẽ cố gắng tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt
gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Cùng chung quan điểm này, TS. Phạm Văn Phước, Viện Quy hoạch xây dựng cho rằng, chỉnh trang đô thị cho khu vực nhà ở trên và ven kênh rạch muốn thành công thì chính quyền địa phương cần có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư phải được coi là một tiêu chí quan trọng trong công tác lập, thực thi quy hoạch.
Theo KTS. Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chìa khóa tháo gỡ chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch là phải bồi thường thỏa đáng, thu hút đầu tư, biến vùng đất giải tỏa thành dự án phát triển bất động sản có giá trị sinh lời cao.
Hiện, người dân vẫn mưu sinh bên dòng kênh chết
Tuy nhiên, việc làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp cùng ngành tham gia đẩy nhanh tiến trình đầu tư mới là vấn đề quan trọng cần bàn thảo. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang muốn "nhảy" vào để phát triển dự án nhưng các chính sách di dời và tái định cư còn chưa tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư thu hồi vốn, ông Mười cho biết thêm.
"Cơ hội phát triển nhà ở giá rẻ của thành phố trong giai đoạn tới là vô cùng mênh mông",
TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM khẳng định.
Theo tìm hiểu, không chỉ có một số doanh nghiệp BĐS lớn trong nước như Vingroup, Novaland, Đất Xanh... đang "nhòm ngó" đến chương trình này để tham gia đầu tư, nhiều tập đoàn nước ngoài như Capitaland, Dragon Capital... cũng đang muốn cạnh tranh.
Bàn về vấn đề tái định cư cho người dân, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM cho rằng, công tác này phải đảm bảo được tính bền vững, trong đó cần thực hiện tại chỗ thay vì định cư di dời, tạo thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống. Mặt khác nên thay đổi quan niệm kiến trúc, thiết kế nhà ở cho người tái định cư sao cho phù hợp, trong đó nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nên tách rời.