Vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng đang ảnh hưởng tiêu cực tới BĐS khu trung tâm Tp.HCM. Ảnh: Gia Phú |
Tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản lớn tại Tp.HCM tiết lộ, doanh nghiệp ông đang có một quỹ đất rộng 5.000m2 tại đường Trần Nhật Duật, quận 1, giấy phép xây dựng, cũng như hồ sơ phê duyệt xây dựng dự án chung cư cao cấp đã có trong tay và dự kiến phát triển vào quý I/2018. Nhưng khi tìm hiểu thị trường thấy nhiều người đang e ngại mua nhà trung tâm, doanh nghiệp phải lùi thời gian triển khai.
Lời giải nào cho bài toán kẹt xe?
Tình trạng quá tải giao thông tại khu trung tâm đang là bài toán nan giải của Tp.HCM, vì hiện chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết bài toán này.
Theo quy hoạch của Tp.HCM, các trục đường chính nối khu trung tâm ra các quận vùng ven như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Cánh Mạng Tháng 8, Trường Chính… hầu hết sẽ được mở rộng. Nhưng dù được quy hoạch nhiều năm, đến nay vẫn chưa thể thực hiện do thiếu vốn và vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Nhằm giải bài toán kẹt xe, hiện TP.HCM đang sử dụng những giải pháp ngắn hạn là làm hầm chui, cầu vượt, phân luồng giao thông, đậu xe theo giờ và ngày chẵn lẻ. Nhưng các chuyên gia cho rằng, đây không phải là giải pháp hữu hiệu.
Theo TS. Phạm Văn Hùng, giảng viên Khoa vận tải, Trường Đại học Giao thông - Vận tải Tp.HCM, nếu chỉ dựa vào cầu vượt hay cấm giờ đậu xe… thì không thể giải quyết được vấn đề cụ thể. Vì nhìn thẳng vào câu chuyện này, nguyên nhân chính là lượng người làm việc và học tập tại trung tâm Tp.HCM quá nhiều, trong khi diện tích đất, diện tích mặt đường lưu thông hay những tuyến đường mới không mở rộng ra được.
Ông Hùng nhấn mạnh, giải pháp chính cho câu chuyện này vẫn là cái gốc vấn đề phải mở rộng tuyến đường hiện hữu và thực hiện di dời ngay những trường đại học đang nằm ở các quận trung tâm thành phố. Vì các trường này đang thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên lưu thông vào trung tâm Tp.HCM để học mỗi ngày. Nếu như giải tỏa được những trường đại học, cao đẳng, trung cấp này ra khỏi trung tâm thì lưu lượng xe cộ lưu thông vào thành phố những giờ cao điểm sẽ giảm đáng kể.
Còn theo các doanh nghiệp, nếu Thành phố thiếu ngân sách để mở rộng đường và di dời các trường đại học, cao đẳng, thì có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cùng với thành phố để giải quyết điểm nghẽn này.