Tại diễn đàn, UBND TP cũng mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch |
Tại diễn đàn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: “Tp.HCM hiện đóng vai trò là thị trường BĐS lớn nhất cả nước, thể hiện qua số lượng nhà ở, diện tích văn phòng, mặt bằng bán lẻ cho thuê và phòng lưu trú. Với vị thế trung tâm kinh tế, hiện thành phố đang tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng đô thị, cải tạo chỉnh trang theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phát triển đô thị bền vững cần gắn liền với bảo tồn và phát huy các lợi thế tự nhiên, giá trị văn hóa, xã hội”. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để thực hiện được điều này cần có sự chung tay đóng góp của cả thành phố. Trong đó, những người trực tiếp tham gia vào quá trình cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị như các DN, NĐT BĐS cần tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh sẵn có.
Ông Tuấn đã đưa ra nhóm nhiệm vụ và tìm giải pháp phát triển thị trường BĐS Tp.HCM trong giai đoạn 2016-2020; định hướng phát triển thị trường đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ông nhấn mạnh, giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ về đất đai, quy hoạch, tài chính và thủ tục hành chính. Cụ thể, thành phố cần tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, ưu tiên công trình công ích, phúc lợi xã hội; tăng cường thông tin các đồ án quy hoạch đã được duyệt để NĐT, CĐT dễ tiếp cận; tổ chức thực hiện chương trình chỉnh trang, di dời nhà ở ven sông, ven kênh rạch, cải tạo xây mới chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu, đề xuất chính phủ thay đổi quy định về vốn sở hữu và vốn pháp định đối với các CĐT dự án nhằm đảm bảo lựa chọn CĐT có năng lực tài chính để phát triển dự án… Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2025-2030, ông Tuấn nhấn mạnh đến các giải pháp về quy hoạch và xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin trong mọi tiện ích của đô thị; khuyến khích phát triển các loại hình BĐS mới như nhà cho thuê, office, condotel….
Cũng tại diễn đàn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, mặc dù thị trường BĐS Tp.HCM đã đạt được những thành quả nhất định, các DN trong nước đã khẳng định vai trò thống trị thị trường BĐS, kể cả mua bán – chuyển nhượng nhưng nhìn chung thị trường Tp.HCM còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về tài chính, quan hệ cung – cầu, quỹ đất đầu tư, vốn vay ngân hàng, thủ tục hành chính…
Từ thực tiễn trên, Chủ tịch HoREA nhận định, thành phố cần tập trung tìm kiếm các giải pháp để DN thể hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình phát triển dự án và kinh doanh BĐS. HoREA đề xuất, về phía lãnh đạo TP cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ, hiệu quả thủ tục và quy trình hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch… để hỗ trợ cho CĐT sớm triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, thành phố cần tập trung giải quyết các vấn đề nóng như di dời, tạm cư, tái định cư khi giải phóng mặt bằng, cũng như tạo được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trong quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, phát huy ưu điểm của các thành viên. Theo đó, Hiệp hội cần có chế tài với các hội viên vi phạm trong đầu tư kinh doanh BĐS; tạo cơ chế phối hợp với NĐT phát triển dự án, nhà thầu thi công, nhà cung ứng vật tư, ngân hàng để thúc đẩy thị trường BĐS thành phố phát triển ổn định và bền vững.