Dự thảo tách thửa mới đối với đất ở mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đưa ra đã nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa trình UBND TP dự thảo mới về tách thửa. Đây là dự thảo thứ 5 đưa ra để lấy ý kiến nhằm thay thế Quyết định 33 ban hành năm 2014.
Người dân vui mừng
Trong dự thảo, điều được đánh giá mang tính nhân văn, phù hợp thực tế chính là việc xem xét, tạo điều kiện cho những hộ nghèo, cận nghèo được tách thửa đối với đất ở từ 25 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3 m), đất nông nghiệp từ 300 m2.
Các đối tượng còn lại căn cứ vị trí đất mà chia làm 3 khu vực. Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú có diện tích tối thiểu khi tách thửa là 36 m2 (chiều rộng không nhỏ hơn 3 m). Khu vực 2 gồm các quận: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện có diện tích tối thiểu khi tách thửa đất ở là 50 m2 (chiều rộng không nhỏ hơn 4 m). Khu vực 3 gồm các huyện còn lại, trừ khu vực thị trấn, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở là 80 m2 (chiều rộng không nhỏ hơn 5 m).
Tình trạng tách thửa xây nhà trên đất nông nghiệp diễn ra tràn làn trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A
Đối với đất nông nghiệp được phép tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 500 m2; đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối phải 1.000 m2.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: "Dự thảo được nhiều sở, ngành, quận huyện, chuyên gia góp ý để mục đích cuối cùng là thực hiện tốt công tác quản lý đô thị và bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân". Theo ông Thắng, Quyết định 33 vẫn còn hiệu lực, người dân căn cứ vào đó mà thực hiện thủ tục tách thửa hoặc chờ quyết định mới.
Phản hồi về dự thảo lần này, rất nhiều người dân đồng tình và mong muốn sớm áp dụng. Bà Lê Thị Thu Nga (ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cho biết: "Nếu so với Quyết định 33 thì khu đất nhà tôi phải tách thửa mất 120 m2, trong khi theo dự thảo lần này chỉ còn 80 m2. Như vậy, đủ điều kiện tách 3 thửa cho 3 anh em. Tôi sẽ được đứng tên trên chính tài sản của mình".
Ông Phạm Minh Nguyên (ngụ quận 12) cho biết giá đất tại khu vực ông ở là 30-36 triệu đồng/m2 nên nhiều người khác chỉ có thể mua căn nhà 60-70 m2. "Vì vậy, quy định 50 m2 được phép tách thửa dành cho dân quận 12 thì rất phù hợp thực tế. Tôi rất mừng" - ông Nguyên bày tỏ.
Quận - huyện đồng thuận
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đánh giá: "Phân chia 3 khu vực là phù hợp, diện tích tối thiểu tách thửa là đầy đủ. Tuy nhiên, khi tách thửa với số lượng lớn, việc hình thành hạ tầng giao thông nên giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc làm đầu mối để tránh trường hợp một nội dung mà nhiều chỉ đạo từ các sở, thuận tiện cho địa phương thực hiện".
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), đề xuất nên sớm áp dụng dự thảo này vì thời gian qua, việc tách thửa bị "ách" khiến người dân bức xúc. Nên thực hiện sớm còn để tránh tình trạng xây nhà không phép, "cò" đất trục lợi".
KTS Phạm Văn Ấn lại cho rằng thay vì chính quyền kiểm soát diện tích đất thì nên lựa chọn việc kiểm soát hạ tầng. Nếu cho tách thửa dễ dàng, giá đất sẽ giảm nhưng về lâu dài sẽ có nhiều người vào ở trong một khu đất mà xung quanh đường, điện, công viên không đáp ứng thì gây hiện tượng "bi kịch đô thị". Quy định diện tích tách thửa như vậy là phù hợp nhưng không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan tạo điều kiện phân lô gây ra phá vỡ quy hoạch".
Có ý kiến về việc nhiều "cò" đất sẽ lợi dụng quy định ưu tiên người nghèo để trục lợi, giảm bớt diện tích tách thửa. Phản hồi, ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin rằng với trường hợp cá biệt sẽ được tổ công tác liên ngành thuộc UBND quận, huyện cho ý kiến chứ không phải một cá nhân quyết định.
Chốt lại vấn đề, vị giám đốc Sở TN-MT đánh giá dự thảo này sẽ hạn chế tối đa tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi.
Nhu cầu có thật của người dân
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận tách thửa đất ở là nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn. Nếu TP không chủ động tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tách thửa hợp pháp thì cũng không tránh được tình trạng một số trường hợp tìm cách để tách, dẫn đến vi phạm quy định pháp luật. Thời gian qua, có tình trạng "cò đất" lợi dụng Quyết định 33 của UBND TP quy định về tách thửa đất, việc quản lý không chặt chẽ của một số quận, huyện để đầu cơ đất, phân lô bán nền làm nảy sinh những khu dân cư tự phát mà hạ tầng giao thông, điện, nước… không bảo đảm.
Ông Tuyến cho hay TP chủ động sửa Quyết định 33 để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tách thửa đất ở được quyền tách thửa, bảo đảm quyền, lợi chính đáng về nhà đất mà mình sở hữu. Nguyên tắc chung là cho tách thửa nhưng phải kiểm soát chặt theo đúng quy định pháp luật. Việc cấp phép xây dựng cho thửa đất sau khi tách bắt buộc phải dựa trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đồng bộ và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật. UBND TP đã yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục hoàn chỉnh nội dung dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 33, trình UBND TP xem xét, thông qua để áp dụng trong thời gian sớm nhất.
Theo Nld.com.vn
- Bất động sản TP.HCM 'giảm nhiệt', Long An hứa hẹn bứt phá (06/11/2019)
- Đầu tư đất nền thổ cư các quận vùng ven được các NĐT ưa chuộng (29/10/2019)
- Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng” (17/10/2019)
- Nhà đất Đức Hòa được tìm kiếm nhiều nhất Long An (09/10/2019)
- Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An (08/10/2019)
- Nhiều hộ dân tại Hóc Môn khốn đốn vì mua nhà qua Thừa phát lại (09/11/2017)
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch (08/11/2017)
- TP. HCM: Đất 36 m2 được tách thửa (08/11/2017)
- TP.HCM: Từ 12/2017, người dân có thể xem quy hoạch qua Internet và smartphone (07/11/2017)
- “Mốt” mua nhà rồi cho thuê lại (07/11/2017)