Điểm nóng nhất hiện nay phải kể đến khu vực phía Đông thành phố. Đường Lò Lu, nằm xa khu trung tâm quận 9, cách đây 1 năm có giá trên dưới ngưỡng 12-15 triệu đồng/m2 nay đã không còn vị trí nào còn chào giá cũ. Một dự án vừa chào bán trên đường Lò Lu, nền 50-60 m2 có giá 1,5-1,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 12 tháng qua.
Đất mặt tiền Bưng Ông Thoàn tăng 30%, hiện đang giữ mức 36,3 triệu đồng/m2, trong khi đất hẻm tuyến phố này là 28 triệu đồng/m2. Đường nội bộ khu Hưng Phú năm 2015 còn ở mức 9 triệu đồng/m2 nay đã tăng gấp đôi, giá rao bán lên đến 18,5 triệu đồng/m2. Các căn shophouse đường Liên Phường có giá 45-49 triệu đồng/m2, không có hàng bán ra.
Riêng đất thuộc khu dân cư Nam Long, mặt tiền 7m, diện tích 140m2, đường 20m, đã có sổ đỏ giá 28 triệu đồng/m2, trong khi trước đó bất động sản này được chào phổ biến 23-24 triệu đồng/m2. Tuyến đường Lê Văn Việt ghi nhận tăng 42%, giá đất từ cột mốc bình quân 42 triệu đồng/m2 đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng 59,47 triệu đồng.
Cũng thuộc khu Đông Sài Gòn, do đã hình thành khu dân cư sầm uất và phát triển trước quận 9 nên đất tại quận Thủ Đức có mặt bằng giá rất cao cũng tăng mạnh. Những biệt thự nhà phố được quy hoạch đẹp thường hết hàng sớm trước thời gian công bố. Đơn cử như dự án Moonlight Residence Đặng Văn Bi, những căn shophouse mặt tiền (nhà liền thổ) đều đã được đặt hàng từ khi chưa mở bán.
Giá đất Sài Gòn bất ngờ tăng mạnh vào cuối năm lan từ khu Đông
sang khu Tây và cả trục đô thị phía Nam. Ảnh: Vũ Lê
Ở trục phía Nam thành phố, giá đất cũng leo thang không kém gì khu Đông và Tây. Đất đường Phạm Hữu Lầu trong quý I/2016 có giá 18-20 triệu đồng/m2, nay đã vọt lên 34 triệu đồng/m2. Đường Trần Trọng Cung ghi nhận giá đất tăng trên 30% so với đầu năm, giao dịch ở mức 35-45 triệu đồng/m2. Mặt tiền đường Đào Trí đầu năm giao dịch 29 triệu đồng/m2, hiện đã nhích lên 33-34 triệu đồng/m2.
Biệt thự Chateau Phú Mỹ Hưng dù giá khủng cũng vẫn ghi nhận tăng trên 10%. Theo tiết lộ của một nhà đầu tư buôn biệt thự, nhà phố, đất nền khu Nam Sài Gòn, ông đang sở hữu căn biệt thự mua từ cách đây hơn 1 năm với giá khoảng 3 triệu USD, hiện đang có khách muốn mua với khoản chênh 7 tỷ đồng một căn.
Trong khi đó, hồi cuối năm 2015, đất nền dự án tại Phú Xuân (Nhà Bè) mặt bằng chung là 6-9 triệu đồng/m2, nay thấp nhất 12,5 triệu đồng/m2. Đất biệt thự, nhà phố thuộc khu Làng đại học tại xã Phước Kiển, năm ngoái còn giao dịch 26-28 triệu đồng/m2, nhưng nay giá thị trường 32-34 triệu đồng/m2 mà vẫn không có hàng bán. Đầu năm 2016, đất nằm trong khu Phước Kiển 1 có giá 35-36 triệu đồng/m2, nay đã lập mặt bằng giá mới, ghi nhận 42-43 triệu đồng/m2. Khu vực Bình Chánh, đất gần chợ đầu mối Bình Điền, đường Trịnh Quang Nghị đầu năm mua bán 8-9 triệu đồng/m2 đến tháng 12/2016 đã vọt lên ngưỡng 15 triệu đồng/m2.
Tại phía Tây Sài Gòn, giá đất nhiều vị trí tăng 70-80% so với đầu năm. Tháng 10/2016, giá đất đường Nguyễn Hữu Tiến giao dịch ở mức 25-30 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên đến 37-38 triệu đồng/m2, có một số vị trí mặt tiền đẹp đã tiệm cận ngưỡng 40 triệu đồng/m2. Đường Lê Trọng Tấn kết nối với Nguyễn Thị Tú đầu năm chỉ 10-12 triệu đồng/m2, giữa tháng 12 đã vọt lên ngưỡng xấp xỉ 20 triệu đồng/m2. Trước đây, đất hẻm đường Hồ Văn Long có giá khoảng 12-14 triệu đồng/m2, cuối năm chào bán 19-20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, hồi quý II/2016, đất mặt tiền Hồ Văn Long từ 23-25 triệu đồng/m2, hiện đã vọt lên 35 triệu đồng/m2.
Cùng thuộc trục đô thị phía Tây Tp.HCM, giá đất quận 12 cũng "nhảy múa" dịp cuối năm, tăng 20-30% so với đầu năm. Tuyến đường chính của khu Thạnh Xuân, Thạnh Lộc là Hà Huy Giáp ngăn cách 2 phường đất mặt tiền đầu năm 16-17 triệu đồng/m2, nay giao dịch ở ngưỡng 22-24 triệu đồng/m2. Nguyên nhân tăng giá được môi giới nhà đất khu vực này lý giải do các doanh nghiệp làm nhà xây sẵn, hình thành những cụm dân cư mới sầm uất, đông đúc, hạ tầng được chỉnh trang đẹp hơn, giao thông thuận tiện hơn. Được biết, những ki-ốt cho thuê trên tuyến đường Hà Huy Giáp cũng đã tăng giá 20%, đạt 5-8 triệu đồng mỗi gian hàng rộng 18-20 m2.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Exim Real Estate xác nhận, giá đất đang tăng trên diện rộng khắp Tp.HCM, tốc độ tăng mạnh khi càng về cuối năm. Điểm khác biệt so với năm 2015 là hiện nay giá đất leo thang và liên tục "nhảy múa" nhưng không có hoặc rất ít hàng bán ra và lượng giao dịch thành công không nhiều, có dấu hiệu sốt ảo.
Theo bà Tú, "cơn sốt" giá lần này chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Một là, hạ tầng Tp.HCM đang được triển khai rầm rộ, các dự án cầu đường, hạ tầng đều đang đẩy mạnh tiến độ thi công. Hai là, làn sóng các đại gia địa ốc gom đất lô lớn để phát triển những siêu dự án đang diễn ra mạnh mẽ khiến cho đất lẻ, nhà dân cũng rục rịch tăng giá theo cảm tính.
Ba là, tâm lý lo ngại quỹ đất Sài Gòn sẽ ngày càng khan hiếm càng thúc đẩy giới đầu cơ mạnh tay gom đất, tạo nên hiện tượng khan hiếm ảo. Bốn là, những người đang nắm giữ đất sợ bán hớ và kỳ vọng giá đất vẫn còn tiếp tục tăng trong năm 2017 nên số lượng hàng đẩy ra rất ít.
Nữ chuyên gia này nhận định, kể từ 2013 đến nay, nguồn cung căn hộ trên địa bàn Tp.HCM tăng quá nhanh đã khiến cho giới đầu tư muốn dịch chuyển sang một phân khúc khác để thay đổi khẩu vị. Đây là luồng gió thổi bùng những đợt sóng đầu tư mới trên thị trường. Tâm lý bám đất, giữ đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất vốn đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt càng được dịp bùng lên và có thể tạo nên những cơn sốt ảo, tăng giá nhanh, đột biến nhưng ít giao dịch thành công.